Tổng quan về tình hình sản xuất và sử dụng vôi tại Việt Nam

Trong bài tham luận của mình tại Hội thảo “Công nghệ sản xuất vôi công nghiệp. Giải pháp tiết kiệm năng lượng và chi phí trong sản xuất xi măng” diễn ra ngày 23/05/2011, Ths: Lê Văn Tới Vụ trưởng Vụ vật liệu xây dựng đã nêu lên thực trạng sản xuất vôi ở Việt Nam hiện nay và những định hướng phát triển sản xuất vôi công nghiệp của Việt Nam trong thời gian tới. Đánh giá thực trạng sản xuất vôi ở Việt Nam Ths Lê Văn Tới nhận định tình hình sản xuất vôi theo quy mô sản xuất ở Việt Nam hiện nay.

Sản xuất vôi thủ công nghiệp

Sản xuất vôi thủ công nghiệp tại nhiều địa phương là một nghề truyền thống có từ lâu đời, giải quyết việc làm cho người lao động, phát triển kinh tế địa phương. Hiện nay các cơ sở này đều do các tổ hợp ,hộ tư nhân và một vài công ty cổ phần sản xuất bằng các lò vôi liên hoàn công suất trung bình 5.000 tấn / năm/lò và lò dã chiến công suất trung bình 500-1000 tấn/ năm/ lò. Theo số liệu của Vụ vật liệu xây dựng Bộ xây dựng nắm được thì hiện nay cả nước có tổng công suất các lò vôi thủ công vào khoảng 600.00 tấn/ năm.

Sản xuất và đầu tư các cơ sở sản xuất vôi theo quy mô công nghiệp

Trong thời gian qua một số cơ sở sản xuất đã đầu tư chiều sâu để phát triển sản xuất vôi theo quy mô công nghiệp để sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và xuất khẩu . Tổng công suất các nhà máy sản xuất vôi theo quy mô công nghiệp của cả nước vào khoảng 2,9 triệu tấn/năm.

Trên toàn quốc có 03 cơ sở sản xuất vôi lò đứng, theo quy mô công nghiệp, tự động hóa đã đi vào sản xuất với công suất 150.000 tấn/ năm; bao gồm 01 cơ sở sản xuất ở Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh (công xuất 50.000 tấn/ năm), 01 cơ sở tại xã Bỉm Sơn – Thanh Hóa có công suất 60.000 tấn/ năm, 01 cơ sở tại tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu của công ty VNSTEEL phục vụ cung cấp vôi cục cho luyện thép , công suất 40.000 tấn/năm.

Ngoài ra còn có 7 cơ sở sản xuất vôi công nghiệp theo công nghệ lò đứng, tự động hóa, quy mô công xuất lớn đang xây dựng và dự kiến đưa vào sản xuất cuối năm 2011 và 2012 với tổng công suất 1.780.000 tấn/ năm.

Đánh giá tiềm năng phát triển các cơ sở sản xuất và nhu cầu tiêu thụ sản phẩm công nghiệp trong thời gian tới.

Tiềm năng về nguồn nguyên liệu và nhiên liệu

Đá vôi ở nước ta phân bố tương đối rộng rãi nhưng không đều, tập trung ở phía Bắc đến Quảng Bình đảm bảo chất lượng sản xuất vôi công nghiệp ngoại trừ các vùng đá vôi không được khai thác thì tài nguyên đá vôi có thể khai thác được cũng đạt tới hàng trăm tỉ tấn.

Tổng tài nguyên các mỏ đã khảo sát (274 mỏ) là 44.738.53 triệu tấn; trong đó trữ lượng cấp B+C1+C2: 12.557.57 triệu tấn, tài nguyên cấp P: 32.180.96 triệu tấn, trong số mỏ đã khảo sát, số mỏ nằm trong khu vực cấm , tạm cấm hạn chế khai thác là 42 mỏ với tài nguyên 1.669,28 triệu tấn. Như vậy số mỏ có thể đưa vào thăm dò, khai thác cung cấp nhiên liệu cho sản xuất xi măng là 232 mỏ với tổng số tài nguyên là 43.069.25 triệu tấn.

Than đá ở nước ta gồm nhiều loại, chủ yếu là than antraxit có chất lượng cao. Tổng trữ lượng than đá tính đến nay khoảng 3,5 tỷ tấn. Các mỏ tập trung ở một số khu vực như :Quảng Ninh trữ lượng 3,3 tỷ tấn, trong đó có 195 triệu tấn lộ thiên, Thái Nguyên trữ lượng khoảng 80 triệu tấn. Na Dương (Lạng Sơn) khoảng 100 triệu tấn.

Dự báo nhu cầu sử dụng vôi công nghiệp trong nước và xuất khẩu.

Trong thời gian qua nhu cầu sử dụng vôi, bột nhẹ đã tăng trưởng liên tục theo bình quân 15- 20% năm. Sản phẩm vôi nung được sử dụng làm nguyên liệu cho các lĩnh vực sản xuất khác nhau: công nghiệp, xây dựng, tiêu dùng. Cụ thể trong lĩnh vực sản xuất giấy (in, viết, bao bì cao cấp và giấy tráng phấn), làm phụ gia cho một số lĩnh vực khác( sơn, màu, cao su, phân bón, hóa chất, xử lí môi trường, luyện thép), các sản phẩm gốm sứ, hàng nhựa, nuôi trồng thủy sản..

Theo tính toán nhu cầu vôi phục vụ làm nguyên liệu và sản phẩm phụ trợ cho các ngành công nghiệp khác nhau ở Việt Nam, cụ thể như sau: Đến năm 2015 tổng cộng 4.068 triệu tấn, trong đó sử dụng trong nước 3.068 triệu tấn và xuất khẩu 1,0 triệu.; đến năm 2020 tổng cộng 7,28 triệu tấn, trong nước 5,28 triệu tấn và xuất khẩu 2,0 triệu tấn, đến năm 2025 tổng cộng 9,91 triệu tấn trong nước 7,41 triệu tấn và xuất khẩu 2,5 triệu tấn.

Trong bài tham luận của mình, đồng chí Lê Văn Tới cũng đưa ra những định hướng phát triển đối với sản xuất vôi công nghiệp hiện nay ở Việt Nam.

Mục tiêu chủ yếu của quy hoạch phát triển sản xuất vôi công nghiệp giai đoạn 2020 đến năm 2030 đó là đảm bảo cân đối cung cầu về vôi không những cho nhu cầu xây dựng mà còn cho các nhu cầu khác, kể cả nhu cầu về xuất khẩu; đảm bảo phát triển bền vững , tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, di tích, lịch sử, văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, an ninh quốc phòng. Từ mục tiêu đó, các tiêu chí về đầu tư, công nghệ, quy mô công suất và bố trí quy hoạch phải được tuân thủ theo những quy tắc như:

Về đầu tư: Phải đảm bảo hiệu quả kinh tế, sản phẩm có sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế, khai thác hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, di tích lịch sử văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, an ninh quốc phòng. Ưu tiên cho các cơ sở xi măng lò đứng không có điều kiện chuyển sang công nghệ lò quay để sử dụng lao động và cơ sở vật chất hiện có.

Về công nghệ: Sử dụng công nghệ tiên tiến, tự động hóa ở mức cao, lựa chọn thiết bị phù hợp nhằm đảm bảo sản xuất sản phẩm đạt chất lượng cao, ổn định, giá thành hợp lý và sản phẩm đa dạng..
Quy mô sản xuất: Nghiên cứu có chọn lọc dự án phát triển nhà máy quy mô công suất lớn sử dụng công nghệ hiện đại; nghiên cứu công suất phù hợp đối với các dự án những vùng tiêu thụ sản phẩm không thuận lợi.

Về bố trí quy hoạch: Các nhà máy sản xuất vôi phải được lựa chọn xây dựng ở những nơi có điều kiện về nguồn nguyên liệu, hạ tầng và trên cơ sở nhu cầu địa phương và khu vực, có tính đến điều tiết cung cầu trong phạm vi toàn quốc và nhu cầu xuất khẩu. Các cơ sở sản xuất vôi được đầu tư , hình thành sẽ là những lĩnh vực phụ trợ cho các ngành sản xuất (gang, thép, bauxite..), tập trung chủ yếu vào nguồn khu vực có đá vôi.

Bài tham luận của Ths Lê Văn Tới có ý nghĩa thực tế đối với thực trạng sản xuất vôi hiện nay ở Việt Nam, một bức tranh tổng quan về những vấn đề nóng bỏng, thời sự cũng như những tiềm năng trong việc phát triển ngành sản xuất vôi hiện nay. Một bài toán được đưa ra là làm thế nào để cân bằng trong việc phát triển kinh tế và cân bằng trong việc bảo vệ môi trường tự nhiên. Một vấn đề mà bất cứ đơn vị nào cũng phải lưu ý trong quá trình sản xuất và khai thác tài nguyên.

Để lại một bình luận