Doanh nghiệp xuất khẩu vôi: nhỏ lẻ, manh mún
CôngThương - Theo phản ánh của nhiều DN, việc áp thuế với mặt hàng vôi xuất khẩu là bất hợp lý, gây khó khăn cho DN sản xuất và xuất khẩu?
- Vôi xuất khẩu thuộc nhóm sản phẩm hóa chất cơ bản, không phải tài nguyên khoáng sản nên việc áp thuế là không đúng. Bên cạnh đó, khoảng 2 năm trở lại đây, chi phí phục vụ cho sản xuất và xuất khẩu vôi trong nước tăng liên tục, đã đẩy giá thành sản phẩm lên cao, bán với giá cũ từ 55 - 70 USD/tấn (chưa thuế) thì lỗ vốn, tăng giá thì không thể cạnh tranh được với vôi xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia … chỉ từ 53 - 68 USD/tấn (không chịu thuế). Và tất nhiên, cùng với suy thoái toàn cầu, thị trường tiêu thụ vôi trong cũng như ngoài nước đã bị thu hẹp rất nhiều. Những điều trên khiến DN lâm vào cảnh rất khó khăn.
Thị trường chính của vôi Việt Nam là những quốc gia và khu vực nào?
- Từ năm 2008 đến nay, chúng tôi chủ yếu xuất sang Đài Loan. Gần đây, các DN xuất khẩu vôi Việt Nam đã tìm kiếm thêm được khách hàng mới ở Ấn Độ, Thái lan, Úc...
Phần lớn các lò nung hiện nay ở Việt Nam đều theo kiểu truyền thống, công nghệ lạc hậu, sản phẩm ra lò không đồng đều, chất lượng thấp nên xuất khẩu sang các nước chỉ để phục vụ công nghiệp luyện kim, dù tiếng là xuất khẩu ra nước ngoài nhưng thị trường cũng rất hẹp, những sản phẩm từ vôi chất lượng cao phục vụ các ngành công nghiệp khác như thực phẩm, bột nhẹ, bột giấy, môi trường... thì Việt Nam chưa bao giờ chạm tới được.
Liệu có thể coi đó là một nguyên nhân nữa trong sự đình trệ của mặt hàng vôi xuất khẩu?
- Chính xác. Thậm chí ngay cả khi không có suy thoái, vôi trong nước cũng luôn bỏ trống thị trường xuất khẩu lớn và đa dạng này. Hiện nay ở phía bắc cũng đã có 2 cơ sở sản xuất vôi lò đứng: một ở Hoành Bồ - Quảng Ninh (công suất 50.000 tấn/năm) và một ở Bỉm Sơn - Thanh Hóa (công suất 60.000 tấn/ năm), nhưng cũng chỉ đủ phục vụ nhu cầu vôi chất lượng cao ở trong nước, chứ chưa đủ để xuất khẩu. Hiện tại đã có DN Đài Loan đầu tư lò công nghệ cao tại Việt Nam, sắp cho ra những sản phẩm đầu tiên phục vụ xuất khẩu. Tương lai nếu không có gì thay đổi trong chính sách quản lý của nhà nước, chắc chắn con số những DN nước ngoài trong lĩnh vực này còn tăng!
Đây là điều đáng lo?
- Từ trước tới nay, thị trường chính của vôi xuất khẩu là Đài Loan, Ấn Độ. Chúng tôi thường phải làm việc thông qua một DN môi giới nước ngoài, sự sống còn phụ thuộc rất nhiều vào những thị trường này, nay chính các DN nước ngoài có thể trực tiếp sản xuất tại Việt Nam, khai thác chính khoáng sản, nhân công rẻ ở Việt Nam, sau đó ra thành phẩm chất lượng cao hơn, chủ động và có lợi về mọi mặt, đương nhiên DN trong nước thua ngay trên sân nhà.
Hiện, các DN sản xuất cũng như kinh doanh mặt hàng này phần lớn là quy mô nhỏ, tự phát, tự liên hệ đầu vào, đầu ra. “Ông” nào may, vốn lớn vớ được đơn hàng lớn thì ào ào cử nhân viên đi huy động các lò vôi mọi miền sản xuất cấp tập, đánh nhanh, thắng nhanh. Khi đột biến, vì một lý do nào đó, đầu ra bên chủ hàng tạm dừng nhập, thì chồng đống lên tồn kho, ế ẩm dài dài, chạy đôn đáo nhờ “ông bạn nọ, ông bạn kia” cũng trong “ làng buôn vôi” tiêu thụ đỡ, để còn lấy tiền thanh toán cho các chủ lò vôi!
Điểm yếu lớn nhất của các DN sản xuất vôi trong nước là sự manh mún, chụp giựt. nếu có thể tập trung vào thành một mối như kiểu hiệp hội có tổ chức, có kế hoạch hoạt động, chiến lược phát triển lâu dài…, thì tình hình không đến nỗi?
- Đúng như vậy! Nhưng ai sẽ đứng ra để tổ chức việc đó?
Xin cảm ơn ông!